Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Sự Tích Hoa Sen


Truyền thuyết về Hoa Sen 


Hoa Sen

Sự tích:  Ngày xưa ở một làng nọ có hai cô bé mồ côi cha mẹ. Hai em được một người hát xẩm đưa về nuôi. Ông dạy cho hai em các điệu múa bài hát. Một lần cô em bị ốm, cô chị đã đốt chiếc nhẫn quý của mình làm thành thuốc thần cứu sống em.
Càng lớn hai chị em càng trở nên xinh đẹp, hát hay múa giỏi nổi tiếng khắp vùng.
 
Trong vùng có một tên công tử khét tiếng độc ác, làm mưa làm gió cả vùng. Nghe tiếng hai cô, hắn âm mưu bắt về làm vợ.
Một hôm người cha nuôi phải đi xa, ông hứa sẽ mua tặng mỗi con một món quà. Cô chị xin cha một đôi hài màu trắng thêu chỉ vàng, còn cô em xin cha một đôi hài hồng thêu chỉ vàng.
Nhân lúc người cha vắng nhà, tên công tử đã cho người đến bắt cô chị về. Để giữ trọn trinh tiết của mình cô gieo mình xuống hồ. Quá thương tâm, cô em cũng trầm mình theo chị. Khi người cha nuôi trở về không thấy con đâu, ông đi tìm hỏi và được biết chuyện.
Đi đến hồ tìm con đột nhiên, ông ngửi thấy mùi hương thơm ngan ngát tỏa ra từ hồ và ông nhìn thấy trên mặt hồ những bông hoa màu trắng và hồng. Những cánh hoa xinh xinh tựa như dáng hài; ở giữa có nhụy vàng như những sợi chỉ thêu; những chiếc lá xòe to giống như những chiếc nón quai thao các cô thường đội; hương hoa tỏa thơm dịu dàng tinh khiết như tâm hồn hai chị em.
Quá đau buồn, người cha bật khóc. Bất chợt, hai cô con gái từ dưới hồ hiện ra và bước lên cạnh ông. Cô chị kể lại chuyện: "Khi hai chị em con gieo mình xuống hồ đã được bà chúa hồ thương tình dang tay đón lấy và cứu sống. Bà rất quý chúng con, muốn chúng con ở lại với bà nhưng chúng con xin được về nhà chăm sóc cha.
Bà đã đồng ý cho chúng con trở về với cha và tạo ra những đóa hoa kia tượng trưng cho hai chị em để bà luôn cảm thấy có hai con bên cạnh bà - Tên hoa là Hoa Sen".
 
Ngày nay, Trên Thế giới hoa sen tượng trưng cho Đạo Phật. Trong sách "Tánh mạng khuê" có bài thơ: 

Hồng hồng bạch bạch thủy trung liên, .
Xuất ố nê trung sắc chuyền liên ;
Hành trực ngẫu không bổng hựu thục,
Tu hành diệu lý kháp như nhiên

Tạm dịch

Sen nở trong đầm đỏ trắng phơi,
Bùn nhơ không nhiễm sắc thêm tươi.
Thân ngay, ngó rỗng, gương đầy hột.
Cái lý tu hành cũng thế thôi.

Hình tượng hoa sen trong văn hóa Việt Nam

Ca dao Việt Nam có câu:

"Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".



Có thể nói, từ bao đời nay hoa sen đã trở thành một hình tượng đặc biệt trong văn hóa của người Việt Nam. Trên khắp những nẻo đường ở thôn quê Việt Nam bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những đầm hoa sen rộng, xanh và hồng thắm sắc hoa. Hoa sen đã đi vào lòng người Việt, vì thế, khi ngắm hoa bạn sẽ như nhận ra hình ảnh con người Việt Nam - giản dị, hiếu hòa và sáng trong.

Sen gồm có lá, nụ, hoa, hạt và thân rễ. Lá sen có hình dạng tròn nổi trên mặt nước, nụ hoa búp và chụm lại ở đầu, vươn cao, e ấp như một thiếu nữ đang ở độ tuổi xuân thì. Hoa sen thường có các màu phổ biến như trắng, hồng, tím thẫm, vàng,... Quả ở trung tâm hoa chứa các hạt sen còn được gọi là bát sen. Thân rễ (ngó sen) thì mọc dưới các lớp bùn trong ao, hồ hay sông. Mặc dù sinh trưởng trong bùn lầy nhưng hoa sen lại có khả năng làm lắng đục cho dòng nước. Đặc biệt, từ khi nở đến lúc tàn hoa không hề bị ong bướm vây quanh, vẫn luôn vươn lên dưới ánh mặt trời để tỏa hương thơm nồng nàn.

Trong Phật giáo phương Đông nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng thì hoa sen đã trở thành biểu tượng của vẻ đẹp thần bí, huyền ảo và sâu kín. Hoa nở tượng trưng cho quá khứ, đài sen tượng trưng cho hiện tại và hạt sen tượng trưng cho tương lai, sự nối tiếp liên tục.


Đặc biệt, trong nghệ thuật kiến trúc Việt Nam, nhất là trong Phật giáo thì hình ảnh hoa sen được lồng vào cấu trúc nhà mang ý nghĩa về sự giải thoát, giác ngộ Phật pháp. Những công trình tiêu biểu như chùa Một Cột ở Hà Nội, tháp Cửu phẩm liên hoa, chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh... Đều được trang trí hình tượng hoa sen.

Không chỉ vậy, hoa sen còn có một vai trò không nhỏ trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Người Việt dùng tâm sen để ướp thuốc, hương sen để ướp chè (trà), ngó sen để làm món ăn, hay lá sen để gói bánh, gói cốm... Giúp mang lại một mùi thơm thật đặc biệt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét